-
Tháng 11 - ngoài kia người người đang
tung hô, ca ngợi nghề giáo. Đọc những lời ca ngợi, nhận những món quà từ học
trò, bỗng dưng tôi thấy thẹn với chính mình.
Ôi nghề giáo! Cái nghề được coi là cao quý
trong tất cả các nghề, giờ cũng chỉ là cái cần câu cơm... Không có gió, không
có khói mà khóe mắt cay cay. Chẳng biết ngoài kia có ai đồng cảm với tôi
không, có ai đó cũng đang trăn trở, có ai đó cũng đang mỗi ngày đến lớp cho
xong trách nhiệm rồi về?
|
Lần tay gỡ tờ lịch.
Chạm phải con số, bỗng nhiên thảng thốt: Tháng 11 rồi ư? Hèn gì mà mấy hôm nay
ra đường đã thấy những panô, biểu ngữ chuẩn bị cho ngày nhà giáo sắp tới.
Ai đó đã ví nghề giáo
như người đưa đò. Cứ mỗi lượt khách sang sông thì người vận chuyển quay về bến
cũ. Khách lên bờ và tiếp tục hành trình. Có mấy ai trong muôn vạn người kia một
lần về bến cũ? Có mấy ai còn nhớ người đưa đò? Bởi vậy, có người bạn đồng
nghiệp đã nói với tôi rằng: “Làm nghề giáo bạc lắm!”.
Thời đó tôi mới ra
trường, lòng còn đầy nhiệt huyết, sức trẻ đang hừng hực với những khát khao và
cống hiến. Trong lòng tôi chỉ ước ao mỗi ngày được đứng trên bục giảng, say sưa
truyền đạt tri thức ấp ủ bấy lâu cho những học sinh thân yêu kia. Cho nên tôi
đâu hiểu được hết những ẩn ý trong câu nói của người đồng nghiệp khi ấy.
Rồi thì “thức đêm mới
biết đêm dài”. Gần mười năm đi dạy, tuổi đời cũng nhiều, tuổi nghề cũng có, vui
nhiều và buồn cũng chẳng ít, thất vọng ê chề cũng ăm ắp. Mỗi ngày, mỗi lần lên
lớp lòng cứ giằng co, cứ trăn trở về những cái gọi là quy chuẩn nghề nghiệp.
Tôi nghĩ về câu nói “tôn sư trọng đạo” mà bao đời người ta vẫn ca ngợi, rồi bất
chợt buồn. Hình như khái niệm đó giữa thời buổi này đã mai một ít nhiều.
Có một thực tế là học
trò bây giờ thấy thầy cô giáo cứ ngước mắt nhìn kiểu vô cảm, đến cả phép lịch
sự chào hỏi người lớn còn chưa có thì lấy đâu ra cái gọi là “tôn sư”? Tôi không
nói là tất cả, tôi không vơ đũa cả nắm, nhưng cách ứng xử như vậy là của đa số
học sinh bây giờ. Tôi thấy buồn và tôi thật sự hụt hẫng.
Nhưng không, sự hụt
hẫng chưa dừng lại ở đó... Từ hụt hẫng ban đầu chuyển sang cái gọi là thất
vọng. Thất vọng khi chân lý “Thương cho roi cho vọt” đã sắp hết thời, hết thông
tư này đến nghị định nọ quy định về thái độ, hành vi ứng xử của giáo viên với
học sinh trong nhà trường lần lượt ra đời. Hầu như trong buổi họp nào các kiểu
quy định cũng được nhắc đi nhắc lại đến nhàm chán.
Bây giờ, ngay cả lời
nhắc nhở hơi lớn tiếng cũng được gọi là bạo hành tinh thần học sinh. Chỉ một
lời phê thật lòng trên bài làm cũng bị dư luận mang ra mổ xẻ, hay chỉ cần một
chút sơ suất không kiềm chế hành động thì với tốc độ lan truyền của mạng xã hội
hiện nay, thầy cô bỗng chốc trở thành người có lỗi...
Buồn khi phải co mình
lại
Càng nghĩ lại càng xót xa. Học sinh còn quá
ngây thơ để nhận ra được những góc khuất của giáo dục. Các em chưa đủ kinh
nghiệm sống để nhận ra đâu là tâm huyết của người thầy trong cách giáo dục các
em. Nhiều em còn luôn tỏ thái độ khó chịu, thậm chí ghét những thầy cô hay nói
nhiều, hay răn dạy...
Và rồi tôi lại xót xa
cho chính mình. Từ một sinh viên sư phạm với nhiệt huyết ngày nào, theo thời
gian lòng yêu nghề cứ mai một dần. Mắt phải tập làm ngơ với những ngỗ nghịch
của học trò, tai phải lờ đi khi nghe các em nói những lời không đẹp, miệng phải
khép trước những ứng xử thô lỗ từ phụ huynh... để được yên thân tiếp tục công
việc.
- Giáo viên trường tôi tới tháng nhận lương, nhìn số tiền thực
nhận và các khoản đóng góp… chỉ biết lắc đầu.
|
|
Chúng tôi công tác tại một huyện miền núi. Nơi đây núi bao bọc
trùng điệp. Toàn thấy mì, mía, vài đám ruộng nhưng chế độ mà chúng tôi được
hưởng là phụ cấp xã đồng bằng. Không có gì lạ cả, vẫn có xã đồng bằng của huyện
miền núi.
Thu nhập của chúng tôi có gì khác ngoài lương. Muốn dạy thêm
cũng không mấy em đi học, tìm công việc để có thu nhập ngoài lương đâu có dễ.
Mà thời gian đâu để làm thêm khi yêu cầu dạy - học ngày càng cao. Chắc có bạn
sẽ cho rằng trên núi không phải chi tiêu gì nhiều. Nhầm to.
Thử lên nơi chúng tôi đang công tác đi một buổi chợ, các bạn sẽ
phải lắc đầu thè lưỡi. Mọi thứ được bán với giá cao vì lý do vận chuyển xa xôi.
Giáo viên chúng tôi phải mặc áo dài, đồ công sở lên lớp, muốn mua vải may một
cái áo dài, chị em phải chạy xuống phố. Những vật dụng khác cũng vậy. Mấy đồng
lương thấm vào đâu?
Đồng lương nhỏ bé, trách nhiệm lớn lao. Chúng tôi phải ra sức
học, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ mới mong đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện nay.
Mấy anh em trong trường đều than rằng: giá như lương đủ nuôi cái miệng thì
chúng ta sẽ chỉ nghĩ đến việc dạy.
Cuộc sống chỉ trông chờ vào lương. Nhận lương xong lại ngậm ngùi...
Xin thưa, ngậm ngùi vì lẽ lương ít lại bị trừ rất nhiều khoản. Tất cả khoản
đóng góp, khi đưa về giáo viên không thể không đóng dù gọi là tình nguyện.
Mà đã là tình nguyện thì tại sao không đóng theo kiểu tự nguyện,
tùy mỗi người mà nhất định phải là một ngày, nửa ngày lương? Lương giáo viên
tính 26 ngày và hầu như liên tục đóng một ngày lương, nửa ngày lương. Nếu cần
tiền làm việc gì cũng không thể nợ để qua tháng sau vì như thế sẽ bị trừ điểm,
thi đua cuối năm không còn.
Hỡi ôi!... Nghịch lý thay, tất cả khoản giáo viên được hưởng
như: tăng lương cơ bản, chuyển ngạch, phụ cấp thâm niên, tăng bậc lương... hầu
như chưa bao giờ chúng tôi được hưởng liền, cứ phải đợi dài cổ rồi truy lĩnh.
Khi nhận thì trượt giá rồi. Nhưng chúng tôi không thể nợ các khoản đóng góp?
Năm nào cũng như năm nào, ngoài các khoản bắt buộc như bảo hiểm
các loại, công đoàn phí thì chúng tôi đều đặn đóng các khoản (trên danh nghĩa
gọi là tình nguyện nhưng phải bắt buộc đóng): quỹ tang chế, ủng hộ nạn nhân
chất độc da cam, quỹ mái ấm gia đình, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa,
chữ thập đỏ, quỹ tương trợ công đoàn cơ sở, quỹ tương trợ công đoàn ngành,
huyện, ủng hộ bão lụt, tương trợ trẻ em, quỹ tương trợ ngành tỉnh, quỹ vì phụ
nữ nghèo, quỹ ngân hàng bò, quỹ tiếp sức cho em đến trường...
Chỉ riêng quỹ tương trợ có đến ba chỗ để đóng: cơ sở, ngành,
tỉnh... Đã vậy, các khoản hỗ trợ đã đóng ở trường rồi, về nhà thì địa phương
lại đến nhà thu tiếp. Từ chối thì được trả lời chỉ tiêu trên đưa xuống, phải
thu.
Nói ra thành nhỏ mọn, không nhân ái, không có tinh thần “lá lành
đùm lá rách”, nhưng một người đau chân thì làm sao quên được cái chân đau của
mình để nghĩ đến người khác. Phải thắt lưng buộc bụng để nộp các khoản gọi là
“tình nguyện”.
Trong khi đa số giáo viên (ít ra là trường tôi) xuất thân là con
nông dân, ra đi dạy, phần lo cho gia đình, phần lo cho bản thân. Lương ít ỏi
tháng nào ăn hết tháng đó, lấy đâu tiền để đám cưới, mua đất, cất nhà, mua xe,
vi tính, điện thoại...
Tóm lại muốn mua gì, sắm gì thì đến ngân hàng. Không trả nổi
theo hợp đồng, chúng tôi oằn ra trả lãi quá hạn. Ngày ngày đến lớp trang phục
chỉnh tề, giảng dạy nhiệt tình, hoạt động ngoại khóa tích cực, có đủ loại hồ sơ
sổ sách... và đóng búa xua các khoản hỗ trợ. Có biết giáo viên chúng tôi trả
lãi ngân hàng hằng tháng?
M.M - TUỔI
TRẺ
05/11/2015 09:27 GMT+7
TT - Sau bài viết “Còn đâu “thương cho roi cho
vọt”” ngày 4-11, Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều phản hồi từ
các thầy, cô giáo gửi về tâm sự về nghề giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11
đang gần đến.
\
Xin đừng “tôn vinh” quá mức nữa...
Tôi yêu thích nghề giáo khi còn học lớp 8, lớp 9 (hệ
10 năm ở miền Bắc) vì thần tượng của chúng tôi thuở ấy là thầy cô giáo trong
trường. Thầy cô ngày đó luôn được phụ huynh, học trò nể phục, kính trọng dù
thỉnh thoảng chúng tôi bị thầy cô la rầy, nặng lời trước lớp. Những lúc đó, bản
thân học trò tự giác, vui vẻ chấp nhận; luôn nghĩ phần lỗi thuộc về mình và tự
nhủ cần phải cố gắng. Không hề có một lời trách móc, đổ lỗi cho thầy cô...
Tôi nhập ngũ và vào miền Nam chiến đấu, nhưng giấc mơ vào
ngành sư phạm vẫn không nguôi ngoai dù lắm lúc cận kề cái chết. Tôi tự nhủ nếu
chẳng may hi sinh thì thôi, còn sống đến ngày hòa bình nhất định sẽ đi học nghề
sư phạm.
Năm 1977, sau khi tham gia các trận đánh ở biên giới
Tây Nam ,
tôi được đơn vị cử đi ôn thi đại học và thi đậu vào ngành văn Đại học Cần Thơ. Bốn
năm sau, tôi trở thành thầy giáo về dạy ở một trường vùng sâu...
Nói hơi dài dòng một chút vì con đường sư phạm do tôi
chọn không phải bộc phát, tức thời mà vì niềm say mê, sự phấn đấu và quyết tâm
để trở thành “kỹ sư tâm hồn”.
Ra trường năm 1981, thời “bao cấp” biết bao thiếu
thốn, vất vả nhưng tinh thần luôn thoải mái vì mình đạt được ước nguyện theo
nghề giáo cao quý...
Nhưng càng ngày càng có những ràng buộc đối với nghề
giáo với đủ thứ quy định. Có lẽ người ta muốn thầy cô giáo phải trở thành những
tấm gương sáng cho học sinh, cho phụ huynh và cho cả toàn xã hội. Thầy cô phải
thánh thiện, phải ăn nói dịu dàng, nhẹ nhàng; thầy cô phải tươi cười mặc dù
tiền đã cạn mà lương chậm, chưa có kịp thời, chưa có tiền mua sữa cho con...
Các quyền làm thầy mất dần như không được la rầy các
em trước lớp khi các em vi phạm nội quy, không được nêu tên những học sinh vi
phạm kỷ luật trong buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần... Thầy cô có trách nhiệm
phải hiểu học sinh, không được áp đặt hoặc “bạo hành” bằng việc làm và trong cả
lời nhắc nhở, răn dạy! Nói gọn lại là phải “kính trọng” học sinh, phụ huynh...
Ngược lại, học sinh ngày nay được “giao quyền” rất
nhiều. Đó là quyền dân chủ trong trường học, học sinh có quyền góp ý với thầy
cô giáo. Học sinh có quyền trẻ em, không ai được xúc phạm đến trẻ em. Rồi tác
động của xã hội vào môi trường giáo dục khiến thầy cô giáo bao phen khổ sở vì
học sinh ngày càng hỗn hào; không tôn trọng thầy cô, nhà trường. “Tôn sư trọng
đạo” có nguy cơ trở thành khẩu hiệu!
Đến hẹn lại lên! Tháng 11 đã về và những lời tôn vinh
nghề giáo lại có dịp nở rộ. Xin đừng tôn vinh quá mức nữa mà hãy hành động bằng
việc làm cụ thể để thầy cô giáo, để nghề dạy học trở về ngày xưa - thuở “nhất
tự vi sư, bán tự vi sư” được xã hội coi trọng thật lòng!LÊ LAM HỒNG
Ai đã góp phần làm tàn lụi lòng yêu nghề?
Đọc xong bài báo, tôi cũng thấy cay cay nơi mắt mình.
Thiệt tình trong lòng tôi thấy thương cho thầy cô giáo đang ngày ngày lên lớp;
họ cứ lầm lũi đến trường hằng ngày, lầm lũi dạy và khi làm xong phận sự, vội vã
về nhà lo toan cơm nước, con cái, nhà cửa...
Rất nhiều người đam mê nghề giáo và họ dấn thân
vào nghề này như một sự hi sinh, chấp nhận. Nhưng buồn thay, ngọn lửa nhiệt
tình tàn lụi dần qua những năm tháng đối mặt với “những điều trông thấy mà đau
đớn lòng”!
Họ phải từ bỏ con người thật của mình để ép mình theo
đúng những quy chuẩn, quy định. Một hành vi vô lễ, một việc làm vi phạm nội quy
của học sinh diễn ra trước mắt nhưng người thầy lắm lúc phải thực hiện bốn
không: “không nghe, không thấy, không biết, không nói”.
Có mắt mà phải làm như không thấy, có tai mà phải làm
như không nghe, có trí mà phải làm như không biết và có miệng mà phải làm như
người vô cảm vậy! Còn đau đớn nào bằng! Họ phải cố nén dằn cảm xúc, phải nén
cơn đau buồn vào trong lòng rồi tự an ủi mình: “Nói ra, dạy nó thì nó không
nghe, ích gì!”.
Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi mình làm nghề giáo là nghề
như thế nào mà được xã hội trân trọng, được cho là “nghề cao quý nhất trong
những nghề cao quý”? Phải chăng đây là nghề trực tiếp tiếp xúc với con người?
Là nghề dạy chữ, dạy làm người cho học sinh? Những nghề khác cũng vậy sao không
được tôn vinh?
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta bao đời quý
trọng nghề dạy học! “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” - hiền tài có được từ nhà
trường, từ công lao dạy dỗ của các thế hệ đội ngũ thầy cô từ xưa đến nay.
Nhưng người thầy hiện nay vì sao chưa tận tâm dạy dỗ,
chưa hết lòng vì con trẻ? Chính những quy định, những chế tài của ngành đã “góp
phần” làm lụi tàn nhiệt tình yêu nghề, mến trẻ của không ít giáo viên mà nội
dung bài báo là một thí dụ...
LÊ THỊ XUÂN HƯƠNG