(PL)- Bến xe Mỹ Đình. Cậu bé đánh giày tươi cười chào hỏi: “Chú đánh giày nhé, cháu lấy rẻ thôi, mười ngàn ạ!”.
Cậu bé đánh giày tên H., ở Hà Nam, học hết lớp 7, năm nay 15 tuổi (ảnh). Tay thoăn thoắt bôi xi, chải giày. "Mỗi ngày cháu đánh giày cũng được khoảng 200.000 đồng chú ạ." Sao cháu lại nghỉ học? “Hì hì, tại cháu học dốt toán quá, bố mẹ cũng không muốn cháu nghỉ học đâu nhưng mà cháu vừa ham chơi vừa học dốt nên cháu nghỉ”. “Ừ, hồi đi học, điểm cao nhất của cháu là mấy điểm?”. “Dạ, 9 điểm chú ạ, môn văn. Nhưng toán cứ điểm thấp nên cháu nghỉ”.
“Sau khi nghỉ học, cháu theo một chú đánh giày gần nhà lên Vĩnh Phúc học nghề. Mỗi ngày chú ấy cho cháu 50.000 đồng. Khi cháu tích góp được một ít vốn, cháu mua bộ đồ đánh giày khác rồi về Hà Nội làm nghề. Cháu ở với anh chị trên này, thuê nhà trọ 1,2 triệu đồng/tháng, cháu góp cho anh chị 400.000 đồng tiền nhà”.
“Hồi cháu học đánh giày ở Vĩnh Phúc, có đứa thấy giày của khách đẹp quá nên ăn trộm mang đi luôn. Người ta tìm được đánh cho một trận. Đó là bài học đầu tiên cho cháu khi vào nghề. Về sau, mỗi khi đánh giày, cháu ngồi gần khách để họ yên tâm. Ở bến xe cũng có nhiều chuyện cám dỗ nhưng cháu cố gắng không tham gia gì, nhất là “hàng trắng” cháu chưa bao giờ dám đụng vào”.
"Mỗi tháng cháu để dành được nhiều tiền không?". “Dạ, khoảng 3 triệu đồng chú ạ. Cứ cuối tháng về cháu đưa cho mẹ giữ”. "Thế cháu định làm nghề đánh giày mãi à?". “Dạ không, chắc cháu sẽ không đánh giày mãi đâu nhưng bây giờ cháu cũng chưa nghĩ được sau này sẽ làm gì. Mỗi lần về quê, cháu chỉ nói với bạn bè và người làng là đi Hà Nội làm ăn chứ không dám nói là đi đánh giày, sợ mọi người trêu”…
Đôi giày đã đen bóng, những chỗ hở H. lấy keo dính chống nước chấm vào. Tôi đưa tiền công, bảo H. khỏi phải thối tiền lẻ nhưng em nhất định không nhận. H. bảo rằng đã dằn lòng một bài học khác khi vào nghề đánh giày là cấm vơ cái gì không phải của mình, nay tham một mai dễ tham hai rồi tự dắt mình đi đến chỗ hiểm nguy lúc nào không hay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét