Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

ĐỜI SỐNG CẦN CÓ TẤM LÒNG - Trích từ Dân Trí



      TT - Phía sau những học sinh được nhận học bổng - giải thưởng “Bạn tôi - người vượt khó” là những thầy cô hay những người hàng xóm tốt bụng, như “ông Bụt” ở đời.

    Tấm lòng thầy cô
Họ đã mang hết cái tình đến với những học trò suýt rớt lại bên lề con đường đến trường vì gian nan của cuộc sống.
Khi được tin đi Huế nhận học bổng, Nguyễn Thị Thanh Mai - học sinh lớp 12A7 Trường THPT Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM - ngạc nhiên quá đỗi. Mãi sau Thanh Mai mới biết cô giáo Nguyễn Ngọc Hà đã tìm hiểu gia cảnh và viết bài giới thiệu. Câu chuyện bất ngờ của Mai cũng là câu chuyện của nhiều học sinh khác trên cả nước khi có những thầy cô giáo tận tụy, âm thầm viết bài giới thiệu học trò mình cho chương trình học bổng.
Trong những ngày đứng trên bục giảng, thầy Lê Tấn Thời - giáo viên Trường THCS thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang - để ý đến hai cô học trò thông minh nhưng có khuôn mặt buồn là Nguyễn Lương Mỹ Tiên và Dương Bảo Châu. Thầy dò hỏi học sinh trong lớp và đến nhà hai em. Đó là hai cảnh đời cơ cực.
Dương Bảo Châu sớm mất cha mất mẹ, dì Ba - người hàng xóm cưu mang em - lại mang căn bệnh ung thư giai đoạn cuối nên phải gửi em vào chùa Long Phước (Chợ Mới, An Giang). Còn Mỹ Tiên mồ côi cha, phải cùng mẹ chạy ăn từng bữa cho gia đình có người anh bị bại não, ông ngoại bị tai biến. “Tôi viết cho các học trò khác biết rằng những người học giỏi nhất trong trường có hoàn cảnh kém may mắn đến như vậy, để các em học tập nghị lực và cùng nỗ lực vươn lên” - thầy Lê Tấn Thời tâm sự.
Đầu năm học 2010-2011, bước vào lớp, thầy Phạm Được (Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nhận ra ngay sự vắng mặt của cô học trò Nguyễn Thị Thúy. Học sinh trong lớp cho thầy biết Thúy nghỉ học vì gia cảnh quá khó khăn. Tiếc cho một học trò sáng dạ, thầy Được đã giới thiệu Thúy cho học bổng - giải thưởng “Bạn tôi - người vượt khó” - điểm tựa mà thầy từng giới thiệu cho ba học trò của mình vào năm 2010. Thầy viết về học trò của mình, những dòng chữ đau đáu: “Nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau... Bi kịch còn ác nghiệt hơn với gia đình nhỏ này khi sau trận ốm thập tử nhất sinh, không chỉ đôi mắt mù lòa mà đôi chân của mẹ Thúy cũng liệt, phải kiên trì tập luyện lắm mới đi lại được một cách khó khăn...”. “Ngày trước nhà tôi cũng nghèo khó, mẹ tôi không biết chữ nên vất vả. Tôi cũng suýt khuỵu ngã trên con đường học vấn nên thương lắm học trò nghèo có ý chí” - thầy Phạm Được bày tỏ. Để Thúy có thể đến trường thong thả hơn, thầy Phạm Được gặp đồng nghiệp để xin hỗ trợ tiền học thêm, xin ban giám hiệu miễn học phí và tặng Thúy sách giáo khoa cũ để Thúy học tập.
Đồng cảm với học sinh
Thầy Trương Văn Phương, giáo viên Trường THPT thị xã Bình Long, Bình Phước, đã khiến những người duyệt bài cho học bổng - giải thưởng lần này ngỡ ngàng. Riêng đợt này thầy đã giới thiệu mười học sinh của trường. Thầy Lê Tấn Thời đã nhận xét về người bạn của mình: “Phương đã trao thông điệp của lòng nhân ái đến với mọi người, bằng cái tâm của một người thầy với học trò, cho dù đó là những học trò mình chưa hề giảng dạy. Có lẽ quá khứ của Phương đã khiến trái tim ấy mẫn cảm với cuộc sống và thân phận học trò”.
Thầy Phương tâm sự: “Ngày còn nhỏ tôi sống ở Hà Tĩnh, mỗi mùa giáp hạt mẹ phải rang cám cho gia đình ăn qua bữa, rồi mẹ mất năm tôi 23 tuổi. Cuộc sống của tôi như thế nên tôi đồng cảm với học sinh của mình, những học trò nghèo xác xơ lại thiếu thốn tình cảm mẹ cha”. Bị tai nạn lao động nên sức khỏe thầy Phương hạn chế, gia cảnh hiện thời cũng chẳng khấm khá, nên dùng ngòi bút gần như là cách duy nhất thầy giúp học trò. Ngoài việc giới thiệu học trò cho “Bạn tôi - người vượt khó”, thầy còn viết bài giới thiệu học trò cho một số học bổng của tỉnh Bình Phước. Thầy Phương cho biết: “Tôi sống được đến giờ này là nhờ bao nhiêu người thương yêu, giúp được các em học sinh vài cái chữ giới thiệu học bổng thì đã là gì lớn lao”.
Trong những ngày này thầy Phương lại chạy đến từng trường mà các học sinh được nhận học bổng do mình giới thiệu đề xuất xin cho các em nghỉ học, rồi lại xuất tiền lo xe cộ để các em lên TP.HCM đi Huế.
                                           
                                                                                                           Mai Vinh - TT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét