Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Bài đăng báo


KẾT QUẢ TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG - TẠO NIỀM TIN LỚN 
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 giảm 6% so với năm 2014, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Kỳ thi THPT năm nay, toàn quốc có 1.005.654 thí sinh dự thi, trong đó 816.830 em dự thi lấy kết quả xét tốt nghiệp (752.367 thí sinh khối THPT và 64.463 thí sinh khối Giáo dục thường xuyên). Bộ giáo dục và Đào tạo cho biết cụ thể tỷ Lệ tốt nghiệp THPT năm nay là: khối THPT đạt 93.42%, khối Giáo dục thường xuyên 70,08%, bình quân chung 91,58%. Trong đó, tỷ lệ thí sinh dự thi tại các cụm thi do sở giáo dục và đào tạo chủ trì là 84,45% còn ở cụm thi do trường đại học chủ trì là 94,74%.     
Năm nay, toàn tỉnh có Bình Phước 9.138 thí sinh dự thi, trong đó hệ THPT có 8.347 thí sinh dự thi và có 7.957 đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 95,33%; Hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) có 791 thí sinh dự thi, trong đó có 576 thí sinh đậu tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 72,82%. Bình quân chung của toàn tỉnh có 8.533 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 93,38%, giảm 6,03% so với năm học 2014 và cao hơn tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước là 1,8%.   
 Trong kỳ thi THPT năm nay, toàn tỉnh có 4 trường tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt 100%  gồm: Trường THPT chuyên Quang Trung có 264/264 thí sinh đỗ tốt nghiệp, THPT Hùng Vương – 492/492 đều đạt, THPT TX. Bình Long 402/402 và DTNT tỉnh có 107/107 thí sinh dự thi đều đạt hết. Ngoài ra có 5 trường có tỷ lệ đậu tốt nghiệp trên 99% là Trường THPT Nguyễn Du (có 344/346 thí sinh đậu tốt nghiệp – tỷ lệ 99,42%), THCS & THPT Đa Kia (có 134/135 thí sinh đậu tốt nghiệp – tỷ lệ 99,26%), THPT Đồng Xoài ( có 569/574 thí sinh đậu tốt nghiệp - tỷ lệ 99,13%), và trường THPT Bù Đăng có 398/403 thí sinh đỗ tốt nghiệp – tỷ lệ 98,76%.  
Tuy vẫn có một số trường có kết quả thi tốt nghiệp thấp so với tỷ lệ chung của cả nước, như trường THPT Chu Văn An có 142 thí sinh đậu tốt nghiệp trên 216 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 65,74%. Trung tâm GDTX Chơn Thành có 19 thí sinh đậu trong 39 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 48,72%; Trường cao đẳng nghề Tôn Đức Thắng 17 thí sinh đậu trên 37 thí sinh dự thi, tỷ lệ 45,95%.
Kết quả đó mang đến giá trị khách quan cho chung trong sự đổi mới giáo dục. Giảm hơn một mức thấp nhưng nó mang lại niềm tin cho quá trình chuẩn bị trong công tác giảng dạy. Chứng tỏ giáo dục tỉnh nhà đã giữ được truyền thống dạy và học ổn định. Kết quả mang lại niềm tin cho nhân dân và tạo động lực, tự tin cho toàn thể các cấp lãnh đạo của ngành giáo dục cũng như thầy cô giáo đứng lớp. Ngoài ra nó còn làm cơ sở tạo niềm tin trong công tác dạy học trên chặng đường đổi mới của giáo dục trong những năm sắp tới. Khi con đường giáo dục của tỉnh nhà đã xây dựng được phương pháp phù hợp. Các bậc lãnh đạo và thầy cô đứng lớp thích ứng nhanh sự đổi mới. Mạnh dạn áp dụng cách thức, phương hướng giáo dục tiến bộ, kịp thời. Thầy trò cùng thích ứng dễ dàng sự đổi mới và quá trình phát triển của giáo dục thì kết quả luôn duy trì bền vững như mong muốn. /.  

                                                                                                                Quyết Lam

"Tình thế" hay "tình hình"?

13/12/2013 04:58 GMT+7
        TT - Hôm rồi bạn tôi là giáo viên dạy lớp nâng cao ngữ văn 11 bận việc nên tôi được tổ trưởng cử dạy thay, dạy bài đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (trích kịch Vũ Như Tô) của Nguyễn Huy Tưởng.
Bài này trong sách giáo khoa chương trình nâng cao và cơ bản đều được học nên tôi cũng mang sách giáo khoa ngữ văn 11 ban cơ bản của tôi đi dạy.
       Trong phần đọc văn, để tiết học thêm sinh động tôi cho học sinh đóng vai theo nhân vật đọc. Đọc đến lớp IV, cuộc đối thoại của Lê Trung Mại hỏi và tên nội giám trả lời, đến câu cuối cùng của đoạn thoại tên nội giám, em học sinh đọc “Tình hình nguy ngập lắm rồi”. Tôi nhắc học sinh là em đã đọc nhầm, đọc lại cho đúng lời nhân vật là “Tình thế nguy ngập lắm rồi”. Học sinh của tôi liền trả lời: “Tình hình nguy ngập lắm rồi - mới đúng thầy à, sách của em như vậy mà”. Tôi liền xuống phía em học sinh và đối chiếu thì hóa ra sách của học sinh ở ban nâng cao là “Tình hình nguy ngập lắm rồi”, còn nhìn vào sách cơ bản tôi đang cầm do Nhà xuất bản Giáo Dục in xong tháng 3-2013 thì “Tình thế nguy ngập lắm rồi”.
    Cũng một đoạn trích của vở kịch mà sao ban nâng cao khác ban cơ bản về lời thoại của nhân vật? Tôi đành “khất” và trấn an học sinh chắc do tái bản vì sách giáo khoa cơ bản xuất bản năm 2013, còn ban nâng cao xuất bản từ năm 2007
                                                                                                       Trương Phương  (Bình Phước)

Những "ông Bụt" của học trò nghèo

26/02/2011 07:17 GMT+7
       TT - Phía sau những học sinh được nhận học bổng - giải thưởng “Bạn tôi - người vượt khó” là những thầy cô hay những người hàng xóm tốt bụng, như “ông Bụt” ở đời.
Tấm lòng thầy cô
      Họ đã mang hết cái tình đến với những học trò suýt rớt lại bên lề con đường đến trường vì gian nan của cuộc sống.
     Khi được tin đi Huế nhận học bổng, Nguyễn Thị Thanh Mai - học sinh lớp 12A7 Trường THPT Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM - ngạc nhiên quá đỗi. Mãi sau Thanh Mai mới biết cô giáo Nguyễn Ngọc Hà đã tìm hiểu gia cảnh và viết bài giới thiệu. Câu chuyện bất ngờ của Mai cũng là câu chuyện của nhiều học sinh khác trên cả nước khi có những thầy cô giáo tận tụy, âm thầm viết bài giới thiệu học trò mình cho chương trình học bổng.
   Trong những ngày đứng trên bục giảng, thầy Lê Tấn Thời - giáo viên Trường THCS thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang - để ý đến hai cô học trò thông minh nhưng có khuôn mặt buồn là Nguyễn Lương Mỹ Tiên và Dương Bảo Châu. Thầy dò hỏi học sinh trong lớp và đến nhà hai em. Đó là hai cảnh đời cơ cực.
    Dương Bảo Châu sớm mất cha mất mẹ, dì Ba - người hàng xóm cưu mang em - lại mang căn bệnh ung thư giai đoạn cuối nên phải gửi em vào chùa Long Phước (Chợ Mới, An Giang). Còn Mỹ Tiên mồ côi cha, phải cùng mẹ chạy ăn từng bữa cho gia đình có người anh bị bại não, ông ngoại bị tai biến. “Tôi viết cho các học trò khác biết rằng những người học giỏi nhất trong trường có hoàn cảnh kém may mắn đến như vậy, để các em học tập nghị lực và cùng nỗ lực vươn lên” - thầy Lê Tấn Thời tâm sự.
     Đầu năm học 2010-2011, bước vào lớp, thầy Phạm Được (Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nhận ra ngay sự vắng mặt của cô học trò Nguyễn Thị Thúy. Học sinh trong lớp cho thầy biết Thúy nghỉ học vì gia cảnh quá khó khăn. Tiếc cho một học trò sáng dạ, thầy Được đã giới thiệu Thúy cho học bổng - giải thưởng “Bạn tôi - người vượt khó” - điểm tựa mà thầy từng giới thiệu cho ba học trò của mình vào năm 2010. Thầy viết về học trò của mình, những dòng chữ đau đáu: “Nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau... Bi kịch còn ác nghiệt hơn với gia đình nhỏ này khi sau trận ốm thập tử nhất sinh, không chỉ đôi mắt mù lòa mà đôi chân của mẹ Thúy cũng liệt, phải kiên trì tập luyện lắm mới đi lại được một cách khó khăn...”. “Ngày trước nhà tôi cũng nghèo khó, mẹ tôi không biết chữ nên vất vả. Tôi cũng suýt khuỵu ngã trên con đường học vấn nên thương lắm học trò nghèo có ý chí” - thầy Phạm Được bày tỏ. Để Thúy có thể đến trường thong thả hơn, thầy Phạm Được gặp đồng nghiệp để xin hỗ trợ tiền học thêm, xin ban giám hiệu miễn học phí và tặng Thúy sách giáo khoa cũ để Thúy học tập.
   Đồng cảm với học sinh
    Thầy Trương Văn Phương, giáo viên Trường THPT thị xã Bình Long, Bình Phước, đã khiến những người duyệt bài cho học bổng - giải thưởng lần này ngỡ ngàng. Riêng đợt này thầy đã giới thiệu mười học sinh của trường. Thầy Lê Tấn Thời đã nhận xét về người bạn của mình: “Phương đã trao thông điệp của lòng nhân ái đến với mọi người, bằng cái tâm của một người thầy với học trò, cho dù đó là những học trò mình chưa hề giảng dạy. Có lẽ quá khứ của Phương đã khiến trái tim ấy mẫn cảm với cuộc sống và thân phận học trò”.
    Thầy Phương tâm sự: “Ngày còn nhỏ tôi sống ở Hà Tĩnh, mỗi mùa giáp hạt mẹ phải rang cám cho gia đình ăn qua bữa, rồi mẹ mất năm tôi 23 tuổi. Cuộc sống của tôi như thế nên tôi đồng cảm với học sinh của mình, những học trò nghèo xác xơ lại thiếu thốn tình cảm mẹ cha”. Bị tai nạn lao động nên sức khỏe thầy Phương hạn chế, gia cảnh hiện thời cũng chẳng khấm khá, nên dùng ngòi bút gần như là cách duy nhất thầy giúp học trò. Ngoài việc giới thiệu học trò cho “Bạn tôi - người vượt khó”, thầy còn viết bài giới thiệu học trò cho một số học bổng của tỉnh Bình Phước. Thầy Phương cho biết: “Tôi sống được đến giờ này là nhờ bao nhiêu người thương yêu, giúp được các em học sinh vài cái chữ giới thiệu học bổng thì đã là gì lớn lao”.
    Trong những ngày này thầy Phương lại chạy đến từng trường mà các học sinh được nhận học bổng do mình giới thiệu đề xuất xin cho các em nghỉ học, rồi lại xuất tiền lo xe cộ để các em lên TP.HCM đi Huế
                                                                                                                         Mai Vinh - Tuổi Trẻ


Sân trường ĐẠI HỌC 2002

Tổng kết nam học 2008 - 2009 - K,Niệm cùng lớp 12A2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét